Dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID)” được triển khai trong vòng 3 năm từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2024 tại 27 xã thuộc 9 huyện của 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa và Long An. Dự án do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) triển khai thực hiện với sự tài trợ từ Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản (JSDF) thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Đối tượng hưởng lợi chính của dự án là toàn bộ dân cư tại 27 xã, chính quyền địa phương và các bên liên quan, các nhân viên y tế cấp cơ sở và các nhân viên tuyến đầu tại các xã thuộc địa bàn dự án. Dự án cũng sẽ mang lại lợi ích cho các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người cao tuổi, người nghèo, lao động nhập cư phi chính thức, người dân tộc thiểu số và các nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi HIV như người nhiễm HIV/ AIDS, người sử dụng ma túy và phụ nữ mại dâm.
Mục tiêu phát triển của Dự án là tăng cường năng lực cho cộng đồng, bao gồm các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và các nhân viên tuyến đầu để ứng phó với COVID-19 cũng như các trường hợp khẩn cấp về y tế khác tại các tỉnh dự án.
Mục tiêu phát triển dự án sẽ đạt được thông qua:
- Nâng cao năng lực hợp tác liên ngành của chính quyền địa phương và các bên liên quan trong việc quản lý ca bệnh COVID-19 và phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng.
- Nâng cao năng lực của trạm y tế xã về kiểm soát lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế và cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản trong bối cảnh dịch bệnh.
- Nâng cao năng lực của trạm y tế xã trong quản lý ca bệnh COVID-19, hỗ trợ điều trị và chuyển tuyến.
- Nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành của người dân nhất là nhóm dễ bị tổn thương trong dự phòng lây nhiễm, theo dõi và chăm sóc sức khoẻ tại nhà.
- Giảm tác động của COVID-19 đối với các cá nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất thuộc các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Dự án triển khai các hoạt động nằm trong 4 hợp phần như sau:
- Hợp phần 1: Xây dựng năng lực của cấp cơ sở để sẵn sàng ứng phó COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ khác
- Hợp phần 2: Nâng cao nhận thức và kiến thức nhằm thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng thông qua truyền thông về nguy cơ
- Hợp phần 3: Xây dựng và thí điểm mô hình hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương ứng phó với COVID-19
- Hợp phần 4: Quản lý và Điều hành Dự án, Giám sát và Đánh giá, và Phổ biến kiến thức.
Cơ cấu quản lý dự án bao gồm Ban Quản lý Dự án cấp Trung Ương (BQLDA ISDS), Nhóm Cố vấn Kỹ thuật (NCVKT), Ban Điều phối Dự án cấp tỉnh (BĐPDA) và các đơn vị liên quan ở cấp địa phương.
Là đơn vị trực tiếp triển khai dự án, Viện Nghiên Cứu Phát triển Xã hội (ISDS) là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ thành lập vào ngày 27 tháng 05 năm 2002 và trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Các hoạt động của ISDS bao gồm nghiên cứu, vận động chính sách, truyền thông và nâng cao năng lực cho cộng đồng. ISDS coi sứ mệnh của mình là góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam phát triển, công bằng, và có sự tham gia của các nhóm thiệt thòi.