Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, góp phần kiểm soát đường huyết là giải pháp để người tiểu đường có thể ngăn bệnh tiến triển. Nhưng chế độ kiêng khem nghiêm ngặt trong thời gian dài lại có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ khó lường.
Những vấn đề xuất hiện do chế độ kiêng khem nghiêm ngặt
Những năm trở lại đây, bệnh tiểu đường type 2 ngày càng trở nên phổ biến với số ca mắc ngày càng tăng cao. Nếu không được kiểm soát, bệnh có thể trở nặng, gây biến chứng trên tim mạch, gan, thận,...
Trong khi đó, sử dụng thuốc chỉ giúp điều chỉnh đường huyết ở mức bình ổn trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những giải pháp giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Tuy nhiên, người bị tiểu đường thường mang tâm lý kiêng không dám ăn. Ngay cả hoa quả có vị ngọt, cơm, đồ ăn chứa tinh bột,... đều được người bệnh kiêng khem chặt chẽ.
Ths. Hoàng Sách Đình – Chuyên gia dinh dưỡng - Giám đốc Đào tạo Công ty TNHH Care For Việt Nam cho biết: "Việc kiêng khem quá mức có thể khiến người bệnh tiểu đường bị thiếu chất, dẫn tới hiện tượng hạ đường huyết, hoa mắt, chóng mặt, lơ mơ do tế bào não thiếu glucose, thậm chí là ngất xỉu. Ngoài ra, thiếu hụt các vitamin,khoáng chất có thể gây suy giảm miễn dịch, đau nhức xương khớp, chuột rút, loãng xương,... Hơn nữa, việc ăn kiêng nghiêm ngặt trong thời gian dài có thể dẫn tới rối loạn hormone trong cơ thể, mất cảm giác thèm ăn, suy nhược, rối loạn tim mạch, hạ huyết áp,...".
Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bị tiểu đường
Để chọn lựa những thực phẩm phù hợp cho người bị tiểu đường người ta dựa trên chỉ số đường huyết (GI), tức nồng độ glucose trong máu sau khi ăn. Trong đó, những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp sẽ làm tăng lượng đường trong máu từ từ, vừa phải. Nhờ đó, không gây ảnh hưởng nhiều đến lượng đường trong máu cũng như nồng độ insulin sau bữa ăn.
Cụ thể, những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (dưới 55) thường có cấu trúc carbohydrate phức tạp chứa nhiều chất xơ không hấp thu hay chất dinh dưỡng phức tạp cần nhiều thời gian để tiêu hoá. Do đó, tốc độ hấp thu những chất này thường chậm và giải phóng glucose từ từ vào trong máu.
Hơn nữa, những thực phẩm có GI thấp cũng thường giàu các dưỡng chất thiết yếu như: vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, ... tốt cho hoạt động sống của cơ thể.
Ngoài ưu tiên các thực phẩm có GI thấp, trong chế độ ăn hàng ngày, người bệnh cần lưu ý:
- Tăng cường chất xơ nạp vào: Bổ sung thêm 2g chất xơ vào bữa sáng, từ các loại thực phẩm trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau đậu và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác.
- Giảm đường và carbohydrate đơn giản: Hạn chế thực phẩm chứa đường và carbohydrate đơn giản, bao gồm đồ ngọt, đồ uống có đường và thực phẩm chế biến nhiều đường.
- Chia bữa ăn thành nhiều phần nhỏ: giảm lượng thức ăn mỗi bữa và tăng số bữa trong ngày để duy trì lượng đường huyết ổn định.
- Kiểm soát lượng calo nạp vào: Theo dõi lượng calo tiêu thụ và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh như một phần không thể thiếu trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
"Nếu quá khó khăn trong việc xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, người bệnh tiểu đường nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng thiết yếu mà vẫn an toàn với sức khỏe". Ths. Hoàng Sách Đình chia sẻ thêm.
Nguồn bài viết: Sức khoẻ Đời sống (https://suckhoedoisong.vn/xay-dung-che-do-dinh-duong-lanh-manh-cho-nguoi-benh-tieu-duong-16924010409523196.htm)
1. Việc kiêng khem quá mức có thể khiến người bị bệnh tiểu đường gặp những vấn đề gì?
2. Chỉ số đường huyết là gì?
3. Những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp tốt cho người bị bệnh tiểu đường như thế nào?
4. Đâu là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp nhất?
5. Đâu là nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết cao nhất?
6. Đâu là nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp nhất?
7. Người bị bệnh tiểu đường nên kiêng sử dụng nhiều thực phẩm nào?
8. Người bị bệnh tiểu đường không nên áp dụng nguyên tắc nào?
9. Bổ sung thêm bao nhiêu gram chất xơ vào bữa sáng để tăng cường sức khỏe?
10. Thực phẩm nào nên được hạn chế để giảm đường trong máu?
11. Thực phẩm nào nên được bổ sung để tăng chất xơ?
12. Người bị bệnh tiểu đường nên sử dụng hoa quả như thế nào?
13. Chế độ ăn nào được khuyến khích cho người bị bệnh tiểu đường?
14. Bệnh tiểu đường type 2 là bệnh tiểu đường nào?
15. Các hoạt động vận động tốt cho người bị bệnh tiểu đường là gì?