Tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm với các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải… Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, những thông tin về dấu hiệu, cách xử trí và phòng bệnh tả rất cần thiết với cộng đồng.
1. Nguyên nhân gây bệnh tả là gì?
Nguyên nhân gây bệnh tả là do phẩy khuẩn tả. Phẩy khuẩn tả (Vibrio cholera) thuộc nhóm vi khuẩn Gram âm có hình giống chiếc gậy uốn cong giống dấu phẩy.
Phẩy khuẩn tả có thể tồn tại lâu ở vùng nước lợ ở cửa sông hay ven biển. Trong nước, vi khuẩn tả sống ký sinh chủ yếu ở các loài động, thực vật thủy sinh phù du như rong, tảo, đặc biệt ở các động vật giáp xác như tôm, cua, sò, ốc, hến...
2. Bệnh tả có dễ lây không?
Bệnh tả có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Người mang vi khuẩn tả tiềm ẩn chờ cơ hội phóng thích vi khuẩn gây bệnh ra môi trường sống làm lây lan bệnh.
Những người có nguy cơ cao dễ mắc tả là: Những người tiếp xúc gần gũi, cùng ăn uống, sinh hoạt với bệnh nhân tả; Dân cư tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối...; Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm; Có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ; Sử dụng phân tươi trong trồng trọt; Dân cư tại khu vực cửa sông, ven biển, vùng bị ngập lụt và sau ngập lụt...
3. Triệu chứng điển hình của bệnh tả
Độc tố của vi khuẩn gây tiêu chảy ồ ạt và làm rối loạn điện giải. Khi xâm nhập vào cơ thể người, khuẩn tả bám vào ruột tiết nội độc tố A, B hoạt hóa trong niêm mạc ruột làm các tế bào trong lòng ruột trở thành những máy bơm tiết nước, tiết các ion điện giải như: Na, K , Cl-, HCO3- vào lòng ruột, dẫn đến hiện tượng tiêu chảy mất nước, mất chất điện giải…
Người mắc bệnh tả thường xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa như: Đầy bụng, sôi bụng; Tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước, nước đục như nước vo gạo; Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; Người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: Khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh...
4. Biến chứng của bệnh tả có nguy hiểm không?
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tả là sốc và mất nước nặng. Trước đây bệnh tả từng là bệnh dịch gây tử vong cho hàng chục triệu người trên thế giới. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, việc mất một lượng lớn chất lỏng và chất điện giải trong thời gian ngắn có thể dẫn đến tử vong trong vòng hai đến ba giờ. Những người không được điều trị vẫn có nguy cơ tử vong do mất nước và sốc sau vài ngày kể từ các triệu chứng bệnh tả xuất hiện.
Các biến chứng khác cũng có thể xảy ra như:
Hạ đường huyết có thể gây co giật, bất tỉnh và tử vong. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhất của biến chứng này.
Hạ kali máu: Những người nhiễm bệnh tả thiếu hụt một lượng lớn khoáng chất, bao gồm kali trong chất thải.
Suy thận: Ở những người bị bệnh tả, suy thận thường đi kèm với sốc.
5. Cần xử trí như thế nào khi có dấu hiệu mắc bệnh tả?
Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tả, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng thông qua hỏi bệnh, thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm như: soi phân, cấy phân, sử dụng kỹ thuật PCR tìm gene CTX giúp chẩn đoán bệnh tả nhanh (nếu có điều kiện)…
Người mắc bệnh tả cần được cách ly để điều trị; Bổ sung nước và điện giải nhanh chóng, đầy đủ; Sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn.
Mục tiêu bù nước và điện giải là để thay thế nước và các chất điện giải bằng các loại dịch qua đường uống (oresol, nước cam, chanh...). Hầu hết triệu chứng sẽ giảm nếu được bù nước bằng đường uống, nhưng nếu bệnh nhân mất nước nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho truyền dịch tĩnh mạch.
Mặc dù thuốc kháng sinh không cần thiết cho việc điều trị bệnh tả nhưng một số loại thuốc có thể làm giảm cả số lượng và thời gian tiêu chảy.
6. Cách chăm sóc bệnh nhân mắc tả tại nhà
Bệnh nhân tả cần được cách ly để phòng bệnh cho những người khác trong gia đình. Người chăm sóc cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế về cách xử lý, theo dõi phân và chất nôn.
Cần lau rửa, thay quần áo thường xuyên để bệnh nhân dễ chịu; chú ý lau rửa vùng mông sạch sẽ và khô ráo.
Nên cho bệnh nhân ăn sớm, dạng thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo. Đối với trẻ còn bú, cần tăng cường bú mẹ. Chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Ngoài ra nên bổ sung kẽm hoặc các thực phẩm giàu kẽm. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung kẽm có thể làm giảm và rút ngắn thời gian tiêu chảy ở trẻ em mắc bệnh tả.
7. Đông y có chữa được bệnh tả không?
Đông y có những bài thuốc có thể hỗ trợ điều trị hiệu quả tiêu chảy cấp tính đơn thuần. Đối với các trường hợp bị tiêu chảy nặng (hơn 8 lần trong ngày) gây mất nước, rối loạn điện giải, có biến chứng nhiễm độc thần kinh (bệnh tả…), người bệnh cần đến bệnh viện để được điều trị theo y học hiện đại càng sớm càng tốt.
8. Lưu ý với người cao tuổi, trẻ nhỏ mắc bệnh tả
Người cao tuổi, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị các biến chứng nặng hơn khi mắc bệnh tả. Bệnh tả ở người cao tuổi có nguy cơ dẫn đến biến chứng suy thận. Trẻ em thường bị nôn nhiều hơn và cũng dễ bị hạ đường huyết do mất nước, có thể dẫn đến hôn mê. Do đó, đối với những trường hợp này cần điều trị kịp thời và theo dõi cẩn thận phòng nguy cơ biến chứng nặng.
9. Các biện pháp phòng ngừa bệnh tả
- Rửa sạch tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn. Nếu không có xà phòng và nước, có thể sử dụng chất khử trùng tay có cồn.
- Uống nước đun sôi hoặc đã được khử trùng.
- Ăn thực phẩm còn nóng và được nấu chín hoàn toàn, tránh những thực phẩm bán hàng rong ngoài đường không đảm bảo vệ sinh
- Gọt vỏ trái cây, rau quả trước khi ăn.
- Vaccine: Vaccine tả dùng qua đường uống an toàn và hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng của các nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người bị nhiễm HIV ở những quốc gia mà bệnh tả còn lưu hành nhiều.
10. Chi phí khám chữa bệnh tả
Thông thường chi phí khám bệnh đường tiêu hóa có biểu hiện tiêu chảy dao động từ 100.000đ - 1 triệu đồng tùy từng cơ sở y tế. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cần làm một số xét nghiệm chẩn đoán xác định như: soi phân, cấy phân, xét nghiệm chẩn đoán nhanh… nên chi phí sẽ khác nhau. Nếu người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế sẽ được bảo hiểm y tế chi trả theo đúng mức quy định.
Về điều trị, dựa trên kết quả đánh giá mức độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Nguồn bài viết: Sức khoẻ & Đời sống (https://suckhoedoisong.vn/nhung-cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-benh-ta-169240307161006.htm)
1. Các triệu chứng chính của bệnh tả là gì?
2. Nguyên nhân gây bệnh tả là do?
3. Trong nước, vi khuẩn tả sống ký sinh chủ yếu ở đâu?
4. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh tả là?
5. Bệnh tả có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn ở những khu vực có đặc điểm như thế nào?
6. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tả là gì?
7. Người mắc bệnh tả thường xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa như thế nào?
8. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhất gặp biến chứng nào của bệnh tả?
9. Đâu là biện pháp phòng ngừa bệnh tả?
10. Nghiên cứu cho thấy, nên bổ sung thực phẩm giàu chất gì để rút ngắn thời gian tiêu chảy ở trẻ em mắc bệnh tả?
11. Lưu ý nào dưới đây không đúng về cách chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh tả tại nhà?
12. Nhóm đối tượng nào dễ bị các biến chứng nặng hơn khi mắc bệnh tả?
13. Trường hợp nào dưới đây là trường hợp bị tiêu chảy nặng?
14. Khi bị tiêu chảy nặng, người bệnh cần làm gì?
15. Người mắc bệnh tả nên sử dụng đồ ăn như thế nào cho tốt?