Bệnh bại liệt (Poliomyelitis) là một bệnh nhiễm virut cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do virut Polio gây lên, có thể lan truyền thành dịch.
Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp. Virut Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít virut Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não.
Khả năng tồn tại của virut bại liệt ở môi trường bên ngoài
Virut bại liệt có thể tồn tại trong phân vài ba tháng ở nhiệt độ 0-4°C. Trong nước, ở nhiệt độ thường, chúng sống được 2 tuần.
Virut bại liệt chịu đựng khô hanh, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C sau 30 phút và bị tiêu diệt bởi thuốc tím (KMnO4). Liều clo thường dùng để diệt khuẩn nước không tiêu diệt được virut bại liệt.
Biểu hiện lâm sàng
Thể liệt mềm cấp điển hình: Chiếm 1% với các triệu chứng sốt, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ các chi, gáy và lưng, dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng. Mức độ liệt tối đa là liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Liệt ở chi, không hồi phục làm bệnh nhân khó vận động hoặc mất vận động.
Thể viêm màng não vô khuẩn: Sốt, nhức đầu, đau cơ, cứng gáy.
Thể nhẹ: Sốt, khó ngủ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, táo bón, có thể hồi phục trong vài ngày.
Thể ẩn, không rõ triệu chứng là thể thường gặp, song thể nhẹ có thể chuyển biến sang nặng.
Nguồn truyền nhiễm
Người là nguồn chứa duy nhất, đặc biệt là ở những người nhiễm virut bại liệt thể ẩn, nhất là trẻ em.
Nguồn truyền bệnh là bệnh nhân ở các thể lâm sàng và người lành mang virut. Họ đào thải rất nhiều virut bại liệt theo phân làm ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm. Virut lây truyền sang người chủ yếu qua đường phân - miệng. Virut bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào người qua đường ruột. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu, họng. Không bao giờ lây nhiễm qua côn trùng trung gian.
Biện pháp phòng bệnh
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất.
Vắc-xin sống giảm động lực đường uống (OPV) hiện đang được triển khai cho trẻ được 2,3 và 4 tháng tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Vắc-xin bát hoạt đường tiêm - virut bại liệt chết (IPV). (IPV) có tính an toàn cao hơn đã được Bộ Y tế đồng ý triển khai tiêm 1 mũi cho trẻ dưới 1 tuổi, thay thế dần vắc-xin OPV trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trên thực tế vắc-xin IPV có thể là vắc-xin riêng rẽ hoặc kết hợp với các vắc-xin khác như vắc-xin 4 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt), 5 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - Hib), 6 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm gan B- Hib).
Chỉ định: trẻ từ 2 tháng tuổi
- Vắc-xin OPV: Trẻ từ 2-18 tháng tuổi, uống nhắc ở mọi lứa tuổi.
- Vắc-xin IPV: Trẻ từ 2 tháng tới 6 tuổi, tiêm nhắc ở mọi lứa tuổi.
Chống chỉ định:
- Vắc-xin OPV: Dị ứng nặng sau lần uống trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc-xin, với neomycin, streptomycin và polymycin B. Những người bị bệnh suy giảm miễn dịch hay đáp ứng miễn dịch bị giảm do dùng thuốc, bạch cầu cấp, u lympho hay khối u ác tính tiến triển.
- Vắc-xin IPV: Dị ứng nặng (sốc phản vệ) sau mũi tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc-xin, neomycin, streptomycin, polymycin B, phụ nữ có thai, sốt cao hoặc bệnh cấp tính.
Tác dụng không mong muốn
- Phản ứng thông thường:
Vắc-xin OPV: Sốt nhẹ, khó chịu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau cơ, đau khớp, ở trẻ sinh quá non tháng (tuổi thai 28 tuần hay trước 28 tuần) trong 2-3 ngày sau khi tiêm chủng có thể bị cơn ngừng thở tạm thời.
Vắc-xin IPV: Đau sưng nóng nhẹ tại chỗ tiêm, chóng mặt, sốt nhẹ, quấy khóc, thường hết sau vài giờ đến 1-2 ngày.
- Phản ứng nặng:
Vắc-xin OPV: Rất hiếm gặp liệt do virut vắc-xin. Rối loạn thần kinh như dị cảm (cảm giác kiến bò, kim châm), liệt nhẹ, viêm thần kinh, viêm cột sống. Phát ban lan rộng.
Vắc-xin IPV: Rất hiếm gặp sốt cao/kéo dài cần nhập viện, sốc phảnvệ, phù nề, sưng hạch bạch huyết, mày đay, phù Quincke, đau khớp vừa và thoảng qua. Co giật kèm theo sốt trong vài ngày sau khi tiêm, bị kích động buồn ngủ hay dễ bị kích thích trong những giờ đầu tiên sau khi tiêm, phát ban lan rộng.
Những điều cần lưu ý
Tiêm 1 hoặc 2 liều IPV đầu tiên, sau đó cần tiếp tục tiêm trên 2 liều bOPV để đảm bảo đủ mức độ bảo vệ ở niêm mạc ruột cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh bại liệt liên quan đến vắc-xin. Cả 2 vắc-xin OPV và IPV có thể sử dụng đồng thời với những vắc-xin trẻ em khác.
(Theo tài liệu Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho mọi lứa tuổi ở VN)
Nguồn bài viết: Vũ Tùng (Báo Sức khoẻ Đời sống: https://suckhoedoisong.vn/cac-benh-co-the-du-phong-bang-vac-xin-benh-bai-liet-169146200.htm)
1. Bệnh bại liệt là loại bệnh gì?
2. Bệnh bại liệt do virus nào gây lên?
3. Bệnh bại liệt nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp như thế nào?
4. Vi rút bại liệu Polio có thể tồn tại trong phân vài ba tháng ở nhiệt độ?
5. Trong môi trường nước, ở nhiệt độ thường vi rút bại liệt thường có thể sống được trong bao nhiêu tuần?
6. Vi rút bại liệt có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ nào sau 30 phút?
7. Vi rút bại liệt bị tiêu diệt ngay trong môi trường nào?
8. Biểu hiện lâm sàng của thể liệt mềm cấp điển hình với mức độ liệt tối đa là gì?
9. Nguồn truyền nhiễm của bệnh bại liệt là gì?
10. Virut bại liệt lây truyền sang người chủ yếu qua đường nào?
11. Biện pháp chủ động hiệu quả nhất trong phòng bệnh bại liệt là gì?
12. Vắc xin IPV (vắc xin bát hoạt đường tiêm – vi rút bại liệt chết) có thể là vắc xin riêng rẽ hoặc kết hợp với các vắc xin khác như?
13. Chỉ định trẻ từ 2 tháng tuổi sử dụng vắc xin IPV như thế nào?
14. Phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin IPV là gì?
15. Lưu ý nào đúng về tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt?
Thanhphuong
Ngày phê duyệt : 19/03/2024Kiến thức hay
Ngoc Khanh
Ngày phê duyệt : 19/03/2024Kiến thức hay