Dấu hiệu bị bệnh bạch hầu và cách phân biệt bệnh bạch hầu với viêm họng
Chủ đề : Phòng chống dịch bệnh
Mô tả tóm tắt bài học

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng tử vong cao, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Bệnh lây lan qua đường hô hấp với các đặc điểm tương tự bệnh viêm họng. Vậy làm cách nào để phân biệt bệnh bạch hầu với các triệu chứng viêm họng thông thường?

Mô tả nội dung bài học

Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh cấp tính do vi khuẩn, thường xuất hiện ở hệ hô hấp gồm tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Ngoài ra cũng gặp trên da, kết mạc mắt, hoặc bộ phận sinh dục.

Nguyên nhân của bệnh là do một loại vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra, đây là một dạng trực khuẩn tại chỗ, có khả năng sản sinh độc tố, nhưng không di chuyển. Cơ chế hoạt động của các độc tố này là ức chế quá trình tổng hợp tế bào ở khu vực tiếp xúc, thường là hầu họng. Sau khi tế bào chết sẽ tạo thành các màng giả bám xung quanh họng, còn vi khuẩn sẽ theo máu đi khắp cơ thể, gây tổn thương nghiêm trọng các hệ cơ quan khác như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hoá. Ngày nay, đã có vaccine phòng bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu lây lan trực tiếp bằng các giọt bắn qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc với người bệnh, hoặc bệnh có thể lây lan qua các vật dụng có dính dịch tiết của bệnh nhân bị bạch hầu. Ngoài ra vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua vết thương trên da và gây bệnh bạch hầu da.

Triệu chứng bệnh bạch hầu

Trước khi phân biệt triệu chứng bệnh bạch hầu và viêm họng thì cần nhận biết dấu hiệu cơ bản bệnh bạch hầu.

Triệu chứng bệnh bạch hầu thường xuất hiện sau khoảng 2-5 ngày, thường khó phân biệt với cảm lạnh, viêm họng thông thường, cụ thể:

  • Sốt, ớn lạnh: Dấu hiệu sốt nhẹ xuất hiện trong vài ngày đầu sau khi phơi nhiễm, nhiệt độ từ 38 độ C đến 39 độ C. Bên cạnh đó có kèm thêm ớn lạnh, mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn, cảm thấy mất sức sống.
  • Đau họng, khó nuốt: Dấu hiệu đau rát và khó chịu ở họng, tương tự như các bệnh cảm cúm thông thường. Tuy nhiên triệu chứng có xu hướng nặng hơn và kéo dài. Cảm giác đau tăng lên khi nuốt thức ăn, uống nước, hay thậm chí nuốt nước bọt.
  • Sưng các hạch ở cổ, mang tai, dưới cằm: Các hạch bạch huyết ở cổ, cằm có thể sưng to, gây đau đớn. Khi bệnh trở nặng thường kèm với sưng cổ, tạo thành hình dáng cổ bò, cơn đau tăng lên khi chạm vào và di chuyển đầu.

Ngoài ra còn cảm thấy khát nước, người xanh xao, môi khô, và bị tiêu chảy.

Sau 3-7 ngày, quan sát họng thấy có màng giả màu trắng, hoặc xám xuất hiện xung quanh cổ họng, amidan và kèm thêm các triệu chứng như:

  • Cổ họng sưng to, cảm giác áp lực, không thể nuốt thức ăn.
  • Khó thở, khó nói chuyện, khàn tiếng, mất tiếng. Dấu hiệu thường xuất hiện khi màng giả lan rộng xuống thanh quản, chèn ép vào đường thở. Ngoài ra có kèm ho khan kéo dài, thậm chí ngạt thở.
  • Thị lực kém dần, khó nhìn, đặc biệt khi nhìn xa.
  • Có các dấu hiệu sốc nhiệt, mặt tái nhợt, nhiệt độ cơ thể rối loạn, đổ mồ hôi.
  • Thậm chí nhiều trường hợp nặng có kèm rối loạn nhịp tim, nhiễm độc thần kinh, liệt cơ, nói lắp, rối loạn lo âu, sợ hãi.

Phân biệt bạch hầu và viêm họng

Để có hướng điều trị kịp thời và tránh nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu, việc phân biệt nó với viêm họng là vô cùng cần thiết.

Các triệu chứng chung điển hình của 2 bệnh bao gồm:

  • Giai đoạn đầu thường sốt nhẹ, kèm cảm giác đau, khó nuốt ở họng.
  • Các hạch bạch huyết ở cổ và cằm sưng, nóng, đỏ.
  • Toàn thân cảm thấy mệt mỏi.

Các dấu hiệu riêng biệt của bệnh bạch hầu và viêm họng có thể nhận biết qua các đặc điểm sau:

  • Bệnh bạch hầu thường có biểu hiện sốt nhẹ, còn viêm họng thì sẽ sốt cao về chiều tối và ban đêm.
  • Người bị bạch hầu có cảm giác đau khu vực hầu họng nhiều, trong khi viêm họng sẽ cảm thấy khô họng, đau rát chủ yếu khi nuốt thức ăn và có kèm chảy nước mũi, nghẹt mũi.
  • Vi khuẩn bạch hầu thường làm sưng hạch bạch huyết còn đau họng ít đau hạch hơn, nếu có thì sưng ở hạch cổ, hạch dưới tai.
  • Có màng giả xung quanh họng ở người mắc bệnh bạch hầu, còn viêm họng thì rất mỏng hoặc không có. Đây là triệu chứng đặc trưng nhất để phân biệt bệnh này với các bệnh cảm cúm thông thường. Màng giả của người bệnh bạch hầu khá dày và bám chặt vào niêm mạc hầu họng, làm khó khăn khi ăn, nói và thở. Nếu cố gắng lấy ra sẽ có thể bị chảy máu.

Bảng tổng quát cách phân biệt bạch hầu và viêm họng

Đặc điểm Bạch hầu Viêm họng
Sốt Nhẹ Sốt cao về đêm từ 39-40 độ
Niêm mạc họng Có lớp màng giả dày, khó tách ra khỏi niêm mạc Có hoặc không có, nếu có thì màng mỏng, lấy ra dễ dàng
Hô hấp Thường khó thở, càng tăng khi bệnh trở nặng Khó thở thường do nghẹt mũi
Thể trạng Người mệt mỏi, xanh xao Cải thiện sau vài ngày

 

Trên đây là một số dấu hiệu phân biệt bạch hầu và viêm họng tại nhà. Người bệnh cần quan sát kỹ các triệu chứng của bản thân, nếu nghi ngờ nhiễm bạch cầu cần đến cơ sở y tế sớm nhất để có phác đồ điều trị phù hợp.

Dược sĩ Lưu Văn Hoàng - Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy

Nguồn bài viết: Sức khoẻ & Đời sống (https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-bi-benh-bach-hau-va-cach-phan-biet-benh-bach-hau-voi-viem-hong-16924070913500541.htm)

Bài kiểm tra kiến thức

1. Bệnh bạch hầu là bệnh như thế nào?

2. Cơ chế hoạt động của vi khuẩn bạch hầu là ức chế quá trình tổng hợp tế bào ở khu vực tiếp xúc và thường ở khu vực nào nhiều nhất trên cơ thể?

3. Bệnh bạch hầu lây truyền như thế nào?

4. Các triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện sau khoảng 2-5 ngày là gì?

5. Các triệu chứng của bệnh bạch hầu xuất hiện sau 3-7 ngày là gì?

6. Những dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch hầu là gì?

7. Những triệu chứng nào bệnh bạch hầu và bệnh viêm họng đều có?

8. Đặc điểm niêm mạc họng của người mắc bệnh bạch hầu như thế nào?

9. Đặc điểm sốt ở bệnh viêm họng có thể phân biệt được với bệnh bạch hầu?

10. Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Hib – Viêm gan B được chỉ định tiêm như thế nào?

11. Vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván được khuyến cáo tiêm nhắc khi trẻ đủ bao nhiêu tháng tuổi?

12. Vắc xin Bạch hầu – Uốn ván được khuyến cáo tiêm nhắc lại khi trẻ đủ bao nhiêu tuổi?

13. Đối với những người không rõ tiền sử hoặc chưa từng tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu, lịch tiêm sẽ là như thế nào?

14. Khi người lớn đã tiêm đủ các mũi cơ bản phòng bệnh bạch hầu thì cần tiêm nhắc lại 1 mũi bao nhiêu năm một lần?

15. Cách phòng bệnh bạch hầu là gì?

Tham gia bình luận