Bệnh phong
Chủ đề : Phòng chống dịch bệnh
Mô tả tóm tắt bài học

Bệnh phong thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Mô tả nội dung bài học

1. Đặc điểm của bệnh
1.1. Định nghĩa ca bệnh
- Ca bệnh lâm sàng: Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh tiến triển lâu dài, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tàn tật nặng nề. Chính những tàn tật này làm cho người ta sợ hãi và xa lánh người bệnh. Hình ảnh lâm sàng của bệnh phong rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, biểu hiện ở da và thần kinh ngoại biên là hay gặp nhất.
+ Thương tổn da: Bao gồm các dát (gặp trong phong thể bất định), củ (gặp trong phong thể củ), mảng thâm nhiễm, u phong (gặp trong phong thể trung gian và thể u). Các thương tổn này kèm theo giảm hoặc mất cảm giác.
+ Thương tổn thần kinh ngoại biên: Các dây thần kinh ngoại biên viêm to (hay bị nhất là dây trụ, dây quay, dây chày sau...)mất cảm giác (nóng lạnh, đau, xúc giác) tại các vùng da do dây thần kinh chi phối. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tàn tật như: Cò ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi...
+ Triệu chứng khác: Ngoài biểu hiện ở da và thần kinh ngoại biên, có thể gặp một số triệu chứng khác như: Rối loạn bài tiết (da khô, bóng mỡ), rối loạn dinh dưỡng (rụng lông mày, loét ổ gà...), viêm mũi, viêm thanh quản...
- Ca bệnh xác định: Một người được coi là bị bệnh phong khi có ít nhất một trong ba dấu hiệu sau:
+ Thương tổn da kèm theo mất cảm giác.
+ Thương tổn thần kinh có biểu hiện tàn tật: Dây thần kinh to, mất cảm giác, cò ngón hoặc teo cơ, …
+ Xét nghiệm tại thương tổn tìm thấy trực khuẩn phong Mycobacterium leprae.
1.2. Chẩn đoán phân biệt: Cần phân biệt bệnh phong với một số bệnh da sau đây:
- Nấm da như lang ben, hắc lào.
- Giang mai củ.
- U hạt hình nhẫn.
- “Bớt” sắc tố.
Tất cả các thương tổn của các bệnh da nói trên có thể giống thương tổn da trong bệnh phong nhưng không giảm hoặc không mất cảm giác.
1.3. Chẩn đoán thể bệnh: Bệnh phong được chia thành các thể sau đây:
- Thể bất định (I-Indeterminate): Đây là thể đầu tiên hoặc là giai đoạn sớm của bệnh.
- Thể củ (T-Tuberculoid): Thể này có sức đề kháng tốt nên có thể tự khỏi.
- Thể trung gian (B-Borderline): Thể này mang đặc điểm của thể củ và thể u.
- Thể u (L-Lepromatous): Đây là thể nặng, trước đây gọi là thể ác tính.
Ngoài ra, để tiện cho việc điều trị tại cộng đồng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân bệnh phong thành 2 nhóm sau đây:
- Nhóm ít vi khuẩn (PB-Paucibacillary): Những bệnh nhân có chỉ số vi khuẩn (BI-Bacterial Index) âm tính và có từ 1-5 thương tổn da.
- Nhóm nhiều vi khuẩn (MB-Multibacillary): Những bệnh nhân có từ 6 thương tổn da trở lên hoặc chỉ số vi khuẩn dương tính.  
1.4. Xét nghiệm
1.4.1. Tìm trực khuẩn phong: Bệnh phẩm là dịch tiết hoặc một phần tổ chức sinh thiết tại các thương tổn da hoặc thương tổn thần kinh. Nhuộm theo phương pháp Ziehl-Neelsen thấy trực khuẩn bắt màu đỏ đứng thành bó, thành cụm hoặc rải rác.
1.4.2. Sinh thiết: Trong trường hợp khó chẩn đoán có thể sinh thiết thương tổn để xác định hình ảnh giải phẫu bệnh lý đặc hiệu.
2. Tác nhân gây bệnh
- Tên tác nhân gây bệnh: Mycobacterium leprae thuộc họ Mycobacteriaceae.
- Hình thái: Vi khuẩn phong do nhà bác học Na Uy tìm ra năm 1873. Vi khuẩn này có hình thẳng, kháng cồn, kháng toan, bắt màu đỏ khi nhuộm  Ziehl-Neelsen và bắt màu tím khi nhuộm Gram.
- Trực khuẩn phong thuộc họ kháng cồn kháng toan. Trực khuẩn phong có sức đề kháng yếu, ra khỏi cơ thể chỉ sống được 1-3 ngày. Nhân lên chậm, chu kỳ sinh sản của nó là 12-13 ngày.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa nuôi cấy được trực khuẩn này trên môi trường nhân tạo nên chưa chế tạo được vắc xin phòng bệnh phong.
3. Đặc điểm dịch tễ học
- Bệnh phong biết đến từ 1400 trước công nguyên. Các tài liệu từ thời xa xưa ở Ấn Độ, Trung Quốc đã mô tả hình ảnh lâm sàng tương đối điển hình của bệnh phong. Theo thời gian, bệnh phong lan tràn một cách chậm chạp tới tất cả các nước trên thế giới. Năm 1873, Armauer Hansen mới tìm ra được căn nguyên của bệnh. Kể từ đó, việc điều trị bệnh phong mới được chú ý và đi đúng hướng.  Tuy nhiên, với việc ra đời của đa hóa trị liệu từ năm 1982, tỷ lệ lưu hành bệnh phong mới giảm một cách đáng kể ở tất cả các nước trên thế giới.
- Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của WHO từ năm 1995 với tỷ lệ lưu hành là 0,9/10.000 dân số. Tuy nhiên, số bệnh nhân mới phát hiện hàng năm vẫn còn cao. Vì vậy chương trình phòng chống phong vẫn phải được duy trì cho tới khi đạt được mục tiêu cuối cùng là: Thanh toán hoàn toàn bệnh phong.
4. Nguồn truyền nhiễm
- Trực khuẩn phong tồn tại ở các thương tổn da, niêm mạc, thần kinh ngoại biên, đặc biệt là ở các bệnh nhân thuộc nhóm nhiều vi khuẩn (MB-Multibacillary). Các bệnh nhân thể I (thể bất định) và thể T (thể củ) hầu như ít khi tìm thấy trực khuẩn phong tại thương tổn. Những bệnh nhân nhóm MB chưa được điều trị mới có khả năng lây lan. Tuy nhiên, sau điều trị bằng đa hóa trị liệu 1 tuần, hầu như không còn khả năng lây lan nữa.
- Thời kỳ ủ bệnh của bệnh phong rất lâu, trung bình 3-5 năm hoặc có trường hợp có thể 5 năm, 10 năm.
5. Phương thức lây truyền: Bệnh phong là bệnh lây truyền, tuy nhiên lây chậm, lây ít và rất khó lây. Bệnh lây là do tiếp xúc gần gũi, nhiều và thường xuyên với nguồn bệnh. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tỷ lệ lây lan giữa vợ - chồng, nếu một trong hai người bị bệnh chỉ từ 3 - 5%.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Do có miễn dịch chéo nên đa số chúng ta đều có miễn dịch và sức đề kháng chống lại vi khuẩn phong. Chính vì vậy, mặc dù nhiều người nhiễm vi khuẩn này nhưng chỉ một số rất ít bị bệnh mà thôi. Theo các nhà dịch tễ học, tuổi càng bé càng dễ bị bệnh phong và tỷ lệ bệnh phong ở nam giới cao hơn ở nữ giới
7. Phòng chống bệnh phong. Cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh phong, vì vậy các biện pháp dự phòng bao gồm:
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức để mọi người hiểu rõ bệnh phong, không xa lánh, sợ hãi, tránh kỳ thị.
- Vệ sinh môi trường, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Khi người ngờ có triệu chứng của bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tàn tật có thể xảy ra.
7.2. Nguyên tắc điều trị: Tất cả các bệnh nhân phong phải được điều trị bằng đa hóa trị liệu đủ liều, đủ thời gian qui định. Điều trị tại nhà và miễn phí hoàn toàn. Trường hợp có biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Phác đồ điều trị bằng đa hóa trị liệu cụ thể như sau:
* Thể ít vi khuẩn (PB):
Rifampicin 600 mg: 1 tháng uống 1 lần có kiểm soát.
Dapson 100 mg: tự uống hàng ngày.
Tổng liều: Điều trị trong 6 tháng.
* Thể nhiều vi khuẩn (MB):
Rifampicin 600 mg: 1 tháng uống 1 lần có kiểm soát.
Clofazimin 300 mg: 1 tháng uống 1 lần có kiểm soát.
Clofazimin 50 mg: Tự uống hàng ngày.
Dapson 50 mg: Tự uống hàng ngày.
Tổng liều: Điều trị trong 1 năm..
- Kiểm dịch y tế biên giới: Không có chế độ kiểm dịch y tế biên giới đối với bệnh phong.

Nguồn bài viết: https://vncdc.gov.vn/benh-phong-nd14531.html

Bài kiểm tra kiến thức

1. Theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh phong thuộc nhóm bệnh nào?

2. Bệnh phong là bệnh gì?

3. Người mắc bệnh phong có biểu hiện ở bộ phận cơ thể nào là phổ biến nhất?

4. Đặc điểm thương tổn da ở người mắc bệnh phong như thế nào?

5. Các tổn thương ngoại biên của người mắc bệnh phong có biểu hiện như thế nào?

6. Ngoài biểu hiện ở da và thần kinh ngoại biên, người bị bệnh phong có thể gặp các triệu chứng nào khác?

7. Trực khuẩn phong có đặc điểm sinh sản như thế nào?

8. Trực khuẩn phong khi ra khỏi cơ thể có thể sống được bao nhiêu ngày?

9. Trực khuẩn phong tồn tại ở những đâu trên cơ thể bệnh nhân?

10. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh phong như thế nào?

11. Phương thức lây truyền của bệnh phong như thế nào?

12. Tỷ lệ lây lan giữa vợ - chồng, nếu một trong hai người bị bệnh phong là bao nhiêu %?

13. Đáp án nào dưới đây sai về bệnh phong?

14. Biện pháp dự phòng bệnh phong nào dưới đây sai?

15. Nguyên tắc điều trị bệnh phong như thế nào?

Tham gia bình luận