Ai nên tiêm phòng cúm, thời điểm nào trong năm cần tiêm phòng?
Chủ đề : Phòng chống dịch bệnh
Mô tả tóm tắt bài học

Ở Việt Nam, dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, thường là vào mùa đông và mùa xuân. Phòng ngừa bệnh cúm bằng vaccine là biện pháp tốt nhất để bảo vệ chính bản thân và người thân.

Mô tả nội dung bài học

WHO khuyến cáo, tiêm vaccine phòng cúm hàng năm giúp sớm chủ động phòng bệnh, là biện pháp đơn giản và tiết kiệm chi phí. Tiêm phòng có thể giảm tỷ lệ tử vong do cúm 70-80%, ngăn ngừa nhiễm bệnh và giảm 60% biến chứng. Người đã tiêm vaccine mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít có nguy cơ tử vong hơn người chưa tiêm vaccine.

Nên tiêm phòng cúm vào thời gian nào?

Thông thường vaccine ngừa cúm theo mùa bảo vệ chống lại các virus cúm mà nghiên cứu chỉ ra rằng sẽ phổ biến nhất trong mùa sắp tới. Hầu hết các loại vaccine cúm đều bảo vệ chống lại bốn loại virus cúm khác nhau: virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H3N2) và 2 virus cúm B.

Ngoài ra còn có một số vaccine cúm bảo vệ chống lại ba loại virus cúm khác bao gồm: virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H3N2) và virus cúm B.

Trên thực tế virus cúm hàng năm vẫn phát triển và biến thể nên mũi tiêm phòng năm trước không thể bảo vệ cơ thể trước chủng virus mới của năm nay. Do đó, vaccine phòng cúm sẽ được sản xuất mỗi năm để bắt kịp với sự đột biến của virus cúm.

Vaccine cúm tạo ra các kháng thể phát triển trong cơ thể khoảng hai tuần sau khi tiêm chủng. Các kháng thể này cung cấp sự bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của các virus được sử dụng để tạo ra vaccine.

Theo ghi nhận thực tế, cúm mùa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng đỉnh dịch cúm mùa thường vào đông và xuân nên thời điểm được xem là phù hợp để tiêm phòng cúm nhất vào khoảng 1 tháng trước đỉnh dịch cúm. Chính vì vậy tiêm phòng cúm tốt nhất nên vào giữa tháng 9 hàng năm trở đi.

Ai nên tiêm phòng cúm?

Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ thì người lớn và trẻ em ≥ 6 tháng tuổi nên được tiêm phòng cúm mỗi năm. Đặc biệt là các nhóm nguy cơ biến chứng cao của cúm:

  • Nhân viên y tế: Giúp giảm 66% trường hợp người bệnh nhập viện.
  • Trẻ em, phụ nữ mang thai. Tiêm phòng cúm giúp giảm 60% nguy cơ nhiễm cúm, giảm 74% nguy cơ mắc cúm nặng đe dọa tính mạng. Phụ nữ có thai tiêm phòng cúm giúp giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ < 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
  • Người cao tuổi cần tiêm phòng cúm giúp giảm nguy cơ 50% tử vong do mọi nguyên nhân, giảm 40% tỷ lệ mắc Alzheimer.
  • Người bệnh mạn tính (tim, phổi, thận mạn tính, đái tháo đường) tiêm phòng cúm giúp giảm 70% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân có bệnh hô hấp, giảm 55% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân có bệnh mạch vành, giảm 58% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, người chăm sóc người bệnh mạn tính cũng nên tiêm phòng cúm hàng năm.

Ai không nên tiêm phòng cúm?

Đối với những người không được khuyến cáo tiêm phòng vaccine cúm.

  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để tiêm phòng cúm.
  • Những người bị dị ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng với vaccine cúm hoặc bất kỳ thành phần nào trong vaccine. Thành phần dị ứng có thể bao gồm gelatin, thuốc kháng sinh, hoặc các thành phần khác.
  • Nếu có một trong các tình trạng sau, hãy nói chuyện với bác sĩ để giúp bạn lựa chọn loại vaccine phù hợp:
    • Nói chuyện với bác sĩ về tình trạng dị ứng của bạn.
    • Nếu đã từng mắc Hội chứng Guillain-Barré (một căn bệnh liệt nặng, còn được gọi là GBS). Một số người có tiền sử GBS không nên chủng ngừa cúm.
    • Nếu tình trạng sức khỏe không tốt, có thể đang cảm thấy không khỏe, hãy nói chuyện với bác sĩ để trì hoãn tiêm phòng.

Để phòng cúm cho mọi người, đối với người bệnh cúm mùa nên hạn chế ra nơi công cộng để tránh lây lan cho người lành. Nếu phải ra nơi đông người thì nên mang khẩu trang, sử dụng khăn giấy khi ho hay hắt hơi và rửa tay với xà phòng để tránh lây nhiễm cho người khác.

Đối với người lành nên hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm mùa, rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường xung quanh người bệnh.…
Virus cúm mùa có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài từ 2 – 8 giờ (tay nắm cửa..), nhưng có thể bị tiêu diệt bởi xà phòng, thuốc rửa iod hoặc cồn. Vì vậy, cần vệ sinh nơi ở và làm việc thường xuyên cũng là một biện pháp phòng bệnh cúm.

Nguồn nội dung: http://yteduphong.com.vn/tieng-viet/tiem-chung/kien-thuc-tiem-chung/ai-nen-tiem-phong-cum-thoi-diem-nao-trong-nam-can-tiem-phong-c3441i17487.htm

Bài kiểm tra kiến thức

1. Bệnh cúm thường xuất hiện vào mùa nào?

2. Biện pháp nào phòng ngừa bệnh cúm tốt nhất cho bản thân và người thân?

3. Tiêm phòng cúm có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh và giảm bao nhiêu % biến chứng?

4. Tác dụng khi mắc cúm của người đã tiêm vaccine phòng cúm so với người chưa tiêm vaccine phòng cúm là gì?

5. Đỉnh dịch cúm mùa thường xuất hiện vào thời gian nào trong năm?

6. Thời điểm được xem là phù hợp để tiêm phòng cúm nhất là khi nào?

7. Hầu hết các vaccine cúm đều bảo vệ chống lại bốn loại virus cúm khác nhau là?

8. Sau khi tiêm chủng, vaccine cúm tạo ra kháng thể phát triển trong cơ thể khoảng bao nhiêu tuần?

9. Tại sao vaccine phòng cúm được sản xuất mỗi năm?

10. Bạn có biết tháng nào trong năm là thời điểm tốt nhất nên tiêm phòng cúm?

11. Trẻ em từ đủ bao nhiêu tháng tuổi nên được tiêm phòng cúm mỗi năm?

12. Các nhóm nguy cơ biến chứng cao của cúm cần tiêm phòng cúm là những nhóm nào?

13. Những người nào được khuyến cáo không nên tiêm phòng cúm?

14. Virus cúm mùa có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài trong bao nhiêu giờ?

15. Virus cúm có thể tiêu diệt bởi?

Tham gia bình luận