Bệnh sán lá gan gồm bệnh sán lá gan nhỏ (Clonorchiasis, Opisthorchiasis) và bệnh sán lá gan lớn (Fascioliasis) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
1. Đặc điểm của bệnh:
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
- Ca bệnh lâm sàng:
+ Bệnh sán lá gan nhỏ: thường có triệu chứng đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa (kém ăn, bụng ậm ạch khó tiêu); đôi khi có biểu hiện sạm da, vàng da và dấu hiệu gan to hay xơ gan tùy theo mức độ của bệnh.
+ Bệnh sán lá gan lớn: thường có các triệu chứng đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị và mũi ức; tính chất đau không đặc hiệu, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng. Bệnh nhân mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa...
- Ca bệnh xác định
+ Bệnh sán lá gan nhỏ: xét nghiệm tìm thấy trứng sán trong phân hoặc dịch tá tràng.
+ Bệnh sán lá gan lớn: xét nghiệm tìm thấy trứng sán trong phân hoặc xét nghiệm máu bằng kỹ thuật miễn dịch (ELISA) tìm thấy kháng thể kháng sán lá gan lớn trong huyết thanh bệnh nhân.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Viêm gan siêu vi, áp xe gan do các loại ký sinh trùng khác (amíp, giun đũa, toxocara...) hoặc do vi khuẩn (áp xe đường mật), ung thư gan (u gan), cơn đau dạ dày...
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm:
+ Bệnh phẩm là phân để tìm trứng sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn.
+ Bệnh phẩm là máu trong xét nghiệm ELISA tìm kháng thể kháng sán lá gan lớn trong huyết thanh người bệnh.
- Phương pháp xét nghiệm: xét nghiệm phân theo phương pháp Kato, xét nghiệm máu theo kỹ thuật miễn dịch ELISA.
2. Tác nhân gây bệnh:
- Tên tác nhân:
+ Sán lá gan nhỏ: có 3 loại Clonorchis sinensis; Opisthorchis viverrini; Opisthorchis felineus
+ Sán lá gan lớn: có 2 loại Fasciola hepatica; Fasciola gigantica
- Hình thái: Sán lá gan lớn và nhỏ đều có hình lá, thân dẹt và kích thước khác nhau tùy loài; loài sán lá gan lớn kích thước lớn hơn rất nhiều so với sán lá gan nhỏ. Cơ thể sán đều là lưỡng giới, vừa có tinh hoàn và buồng trứng trên một cơ thể sán.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Trứng sán lá gan có vỏ mỏng nên tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém, nhiệt độ ánh sáng mặt trời trên 700C trứng sẽ bị hỏng. Tuy nhiên, trứng sán muốn phát triển thành ấu trùng phải có môi trường nước, nếu trên cạn trứng sẽ bị hỏng và không phát triển được, khả năng tồn tại của sán lá gan trưởng thành ở ngoại cảnh cũng rất kém.
3. Đặc điểm dịch tễ học:
- Bệnh sán lá gan nhỏ: phân bố rộng khắp trên thế giới; theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 3 triệu người ở các nước Thái Lan, Lào, Cămpuchia, miền Nam Việt Nam nhiễm sán lá gan nhỏ Opisthorchis viverrini; trên 19 triệu người ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, và Bắc Việt Nam nhiễm Clonorchis sinensis. Riêng ở Việt Nam, đã xác định phân bố ít nhất ở 21 tỉnh/thành phố miền Bắc (Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An); miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông). Tỷ lệ nhiễm tùy theo từng vùng, có nơi nhiễm cao từ 15-37% như Ninh Bình, Nam Định, Phú Yên và Bình Định.
- Bệnh sán lá gan lớn: loài Fasciola hepatica phân bố chủ yếu ở Châu Âu (Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ), Nam Mỹ (Achentina, Bôlivia, Ecuado, Pêru), châu Phi (Ai Cập, Etiopia), châu Á (Hàn Quốc, Papua-niu-ghinê, Iran và một số vùng của Nhật Bản). Loài Fasciola gigantica phân bố chủ yếu ở Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn quốc, Philippines và Việt Nam. Ở Việt Nam cho đến nay bệnh sán lá gan lớn đã xuất hiện ở 47 tỉnh, thành phố; tỷ lệ nhiễm cao nhất ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai và TP. Đà Nẵng).
4. Nguồn truyền nhiễm:
- Ổ chứa:
+ Bệnh sán lá gan nhỏ: vật chủ chính là người và một số động vật như chó, mèo, hổ báo, cáo chồn, rái cá, chuột; vật chủ trung gian truyền bệnh là các loài ốc Bythinia, Melania...
+ Bệnh sán lá gan lớn: vật chủ chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu; người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh; vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ Lymnaea.
- Thời gian ủ bệnh:
+ Thời gian ủ bệnh của sán lá gan nhỏ không rõ ràng và phụ thuộc vào cường độ nhiễm sán, thường nhiễm trên 100 sán triệu chứng mới rõ rệt.
+ Thời gian ủ bệnh của sán lá gan lớn phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn vào và đáp ứng của vật chủ. Ở người, giai đoạn này không xác định được chính xác nhưng có một số tác giả cho rằng giai đoạn này là vài ngày, vài tuần hoặc vài ba tháng, thậm chí lâu hơn.
- Thời kỳ lây truyền:
+ Đối với sán lá gan nhỏ, sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước phát triển theo chu kỳ khép kín rồi lây truyền qua đường ăn cá sống có nang trùng.
+ Đối với sán lá gan lớn, sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán tiếp tục xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước nở thành ấu trùng lông rồi qua ốc và phát triển thành ấu trùng đuôi và nang trùng bám vào rau thủy sinh hoặc bơi trong nước, nếu người hoặc động vật ăn cỏ ăn phải nang trùng sẽ vào dạ dày tới ruột rồi lên gan và ký sinh tại gan. Tại gan, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm.
5. Phương thức lây truyền:
- Bệnh sán lá gan nhỏ: người hoặc động vật ăn phải ấu trùng nang chưa được nấu chín thì sau khi ăn ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật.
- Bệnh sán lá gan lớn: người bị nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch:
- Thử test trong da với kháng nguyên C.sinensis cho thấy độ nhậy 83,1%, độ đặc hiệu 77,85, có 145 dương tính giả ở nhiễm nhẹ, 3% dương tính giả ở nhiễm trung bình và 2% dương tính giả ở nhiễm nặng.
- Khi nhiễm sán lá gan lớn trong huyết thanh bệnh nhân, lượng IgG, IgM và IgE luôn luôn tăng. Kháng thể đặc hiệu IgE tăng tới 48% ở bệnh nhân, kháng thể IgE đặc hiệu và tổng số ở mức cao tùy thuộc cường độ nhiễm, đáp ứng lâm sàng và mức độ tăng bạch cầu ái toan.
7. Các biện pháp phòng chống dịch:
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ; không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức nào; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống.
- Vệ sinh phòng bệnh: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.
7.2. Biện pháp phòng chống dịch:
- Tổ chức: nếu có dịch xảy ra phải thành lập ngay Ban chỉ đạo các cấp khoanh vùng dập dịch.
- Chuyên môn: thu dung bệnh nhân tới cơ sở y tế để điều trị diệt mầm bệnh; kiểm soát trâu, bò vùng có dịch, kiểm tra nguồn bò lai nhập khẩu vào trong nước; tuyên truyền người dân không ăn gỏi cá, không ăn rau sống mọc dưới nước. Người nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan tại vùng có dịch.
7.3. Nguyên tắc điều trị:
- Điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu.
- Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
- Lưu ý những trường hợp chống chỉ định điều trị cho phụ nữ có thai, những người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thận, bệnh tâm thần..., cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng.
- Thuốc điều trị:
+ Điều trị sán lá gan nhỏ: thuốc lựa chọn là Praziquantel viên nén 600 mg liều 75 mg/kg, dùng trong 1 ngày chia 3 lần uống cách nhau từ 4-6 giờ sau khi ăn no. Có thể điều trị 1-2 ngày đối với từng trường hợp nhiễm nặng và được theo dõi điều trị tại cơ sở điều trị. Đối với những trường hợp nhiễm nhẹ và trung bình: điều trị Praziquantel 600 mg với liều 40mg/kg/24 giờ (liều duy nhất), uống sau khi ăn no.
+ Điều trị sán lá gan lớn: thuốc lựa chọn là Triclabendazole 250 mg, liều 10 mg/kg cân nặng, uống một lần duy nhất sau khi ăn no.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Kiểm tra nguồn bò lai nhập khẩu vào trong nước
Nguồn bài viết: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (https://vncdc.gov.vn/benh-san-la-gan-nd14535.html)
1. Bệnh sán lá gan thuộc nhóm bệnh nào theo luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm?
2. Bệnh sán lá gan bao gồm những bệnh sán lá gan nào?
3. Bệnh sán lá gan lớn có biểu hiện lâm sàng như thế nào?
4. Ca bệnh xác định mắc bệnh sán lá gan nhỏ bằng xét nghiệm như thế nào?
5. Đặc điểm của sán lá gan như thế nào?
6. Khả năng tồn tại của sán lá gan trong môi trường bên ngoài như thế nào?
7. Ổ chứa của bệnh sán lá gan nhỏ là?
8. Thời gian ủ bệnh của bệnh sán lá gan lớn như thế nào?
9. Thời kỳ lây truyền của bệnh sán lá gan lớn như thế nào?
10. Phương thức lây truyền của bệnh sán lá gan lớn như thế nào?
11. Biện pháp dự phòng bệnh sán lá gan là gì?
12. Cách vệ sinh phòng bệnh sán lá gan nào dưới đây không đúng?
13. Người mắc bệnh sán lá gan nhỏ mắc trên bao nhiêu sán thì triệu chứng mới rõ rệt?
14. Nguyên tắc điều trị bệnh sán lá gan như thế nào?
15. Bệnh sán lá gan có thể nhầm lẫn với bệnh nào?