Rubella là bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây nên, bệnh phần lớn ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như: dị tật bẩm sinh, chết lưu hoặc sảy thai.
1. Nguyên nhân của bệnh Rubella
Bệnh do virus Rubella, thuộc họ Togaviridae. Cho đến nay chỉ có 1 tuyp huyết thanh của virus Rubella được phát hiện và người là ổ chứa duy nhất của chủng virus này. Như vậy, người đang mắc bệnh Rubella là nguồn truyền nhiễm duy nhất.
Virus Rubella bất hoạt bởi nhiệt độ cao và các loại dung dịch sát khuẩn thông thường. Tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm không khí, virus có thể tồn tại trong trạng thái gây bệnh ngoài môi trường vài giờ. Những khu vực đông người như trường học, bệnh viện, nhà máy… là môi trường lây bệnh thường gặp nhất.
Khi xâm nhập vào cơ thể, virus Rubella nhân lên trong các tế bào đường hô hấp, lan đến các hạch lympho rồi vào máu. Tiêm vaccine phòng bệnh rubella có thể tạo ra miễn dịch bền vững và bảo vệ suốt đời.
2. Triệu chứng của bệnh Rubella
Sau khi virus vào cơ thể từ 2-3 tuần lễ, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Tiếp theo có 3 triệu chứng chính là sốt, phát ban và nổi hạch.
- Bệnh nhân sốt: Đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện 1- 4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm. Sốt nhẹ 38,5 độ C.
- Nổi hạch: Ở vùng xương chẩm, khuỷu tay, bẹn, cổ, sờ hơi đau. Hạch thường nổi trước phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.
- Phát ban: là dấu hiệu làm người ta để ý tới. Ban mọc lúc đầu ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 1-2mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người, chỉ sau 2-3 ngày là bay hết. Cần phân biệt với ban của sởi: Ban sởi sờ mịn, mọc thứ tự từ trên đầu, mặt xuống, sau khi bay để lại các vảy như phấn rôm, trên da có các vằn màu sẫm.
- Đau khớp hoặc đau khắp mình mẩy, hay gặp ở phụ nữ. Các khớp ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân đau trong khi phát ban, sau đó không để lại di chứng.
Các thể lâm sàng Rubella
- Rubella bẩm sinh: Virus từ máu mẹ qua nhau thai. Trẻ sơ sinh khi đẻ ra đã có ban, hoặc trong vòng 48 giờ sau sinh. Bệnh nhi có gan to, lách to, vàng da.
- Thể xuất huyết do giảm tiểu cầu: Chiếm tỷ lệ 1/3.000 ca. Xuất hiện xuất huyết vào 1-2 tuần sau khi phát ban. Có thể chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa, trẻ sơ sinh có thể chảy máu rốn.
- Phụ nữ có thai bị Rubella: Thường người mẹ không có triệu chứng, điều đáng quan tâm nhất là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ. Trong 3 tháng đầu: 70%-100% trẻ đẻ ra bị rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.
Sau 3 tháng: Nếu mẹ có thai được 13-16 tuần, thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17- 20 tuần, thì tỷ lệ 5%. Và khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%.
Các biến chứng dị tật của thai nhi: Khi bà mẹ mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella thì dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung; nếu đẻ được thì thai thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như đục nhân mắt (một hoặc hai bên); đục giác mạc, còn ống động mạch, hẹp eo động mạch phổi; trẻ có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ.
3. Rubella có lây không?
Rubella là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh được truyền từ người này qua người khác qua đường hô hấp hoặc từ mẹ sang con. Virus Rubella thường gặp trong đường hô hấp trên của người mang bệnh, đặc biệt là mũi và cổ họng. Khi tiếp xúc trực tiếp với các dịch nhầy từ mũi, cổ họng hay các cơn ho, hắt hơi của người bệnh có thể khiến virus lây lan từ người này sang người khác.
Bệnh lây truyền từ người sang người, từ người mang bệnh, người có mang virus sang người lành trong khoảng thời gian từ 7 ngày trước khi phát ban đến 7 ngày sau khi phát ban.
4. Phòng bệnh Rubella
Là một bệnh lây nhiễm nên việc phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, cần vệ sinh bằng các dung dịch sát khuẩn.
Cách ly, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hay nghi mắc bệnh. Trường hợp có tiếp xúc với người bệnh, cần đeo khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cần thiết, đặc biệt phụ nữ có thai không tiếp xúc với người mắc bệnh Rubella, hạn chế tụ tập đông người, nhất là tại những nơi có ổ dịch.
Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt, các dụng cụ khác có khả năng dính các dịch tiết mũi họng…
Tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và có thể tạo được miễn dịch suốt đời. Đối với phụ nữ, nếu không có điều kiện tiêm sớm thì tốt nhất trước khi dự định mang thai nên tiêm phòng Rubella, thời điểm tiêm tốt nhất phải trước khi dự định mang thai ít nhất 3 tháng.
5. Cách điều trị Rubella
Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh. Điều trị nói chung chỉ là điều trị triệu chứng như:
Điều trị sốt.
Điều trị đau đầu.
Bù nước, điện giải và nâng cao thể trạng.
Không nên dùng thuốc kháng sinh nếu không có bội nhiễm.
Điều trị biến chứng (nếu có).
Điều trị đau khớp, nếu có đau khớp nhiều.
Điều trị viêm não, màng não: Đây là biến chứng nặng nhất, nên phải theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời.
Thực tế ghi nhận Rubella thường có diễn biến nhẹ nên không cần sự chăm sóc và điều trị đặc biệt, mà có thể điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế. Với trẻ sốt cao, các bác sĩ hạ sốt cho trẻ bằng những biện pháp như uống nhiều nước, chỉ sử dụng thuốc hạ nhiệt khi thực sự cần thiết và tốt nhất không nên dùng aspirin. Không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm.
Bệnh nhân Rubella cần kết hợp nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chú ý chăm sóc và vệ sinh răng miệng, bàn tay và thân thể. Khi có dấu hiệu bệnh, bệnh nhân nên sớm đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị, cách ly khi cần thiết để hạn chế việc lây lan cho những người thân xung quanh.
Nguồn nội dung: BS CK1 Nguyễn Văn Bắc (https://suckhoedoisong.vn/rubella-nguyen-nhan-trieu-chung-duong-lay-truyen-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169240325155707946.htm)
1. Bệnh Rubella có thể gây những biến chứng cho thai nhi nguy hiểm như thế nào nếu phụ nữ mang bầu mắc phải Rubella?
2. Nguồn truyền nhiễm của bệnh Rubella là gì?
3. Virus Rubella bất hoạt trong những môi trường nào?
4. Virus Rubella có thể tồn tại trong trạng thái gây bệnh ngoài môi trường trong bao lâu?
5. Những khu vực nào là môi trường lây bệnh thường gặp nhất?
6. Biện pháp phòng bệnh Rubella nào có tác dụng tạo ra miễn dịch bền vững và bảo vệ suốt đời?
7. 3 triệu chứng chính của bệnh Rubella là gì?
8. Khi mắc bệnh Rubella, người bệnh có thể nổi hạch ở những đâu?
9. Đặc điểm phát ban khi người bệnh bị Rubella là gì?
10. Phụ nữ mang thai bị Rubella trong 3 tháng đầu thì bao nhiêu % trẻ đẻ ra bị Rubella bẩm sinh?
11. Bệnh Rubella lây truyền bằng cách nào?
12. Thời điểm tốt nhất mà phụ nữ cần tiêm phòng Rubella là trước khi dự định mang thai ít nhất bao nhiêu tháng?
13. Cách phòng bệnh Rubella là gì?
14. Cách điều trị bệnh Rubella như thế nào?
15. Ở Việt Nam, nhóm người nào có nguy cơ cao mắc bệnh Rubella?